Chiến lược Marketing Mix để các doanh nghiệp SMB phát triển vững mạnh
Thuật ngữ marketing mix đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Nếu muốn đứng vứng trên thị trường, doanh nghiệp nào cũng cần có một chiến lược marketing hiệu quả, phù hợp và nhiều hình thức liên kết giữa các công cụ sẵn có, phối hợp giữa các bộ phận và quy trình bán hàng sao cho bán được nhiều sản phẩm nhất và mục đích cuồi cùng là thu được nhiều lợi nhuận.
Đây là một hình thức tiếp thị hỗn hợp được phối hợp bởi bốn công cụ chính là sản phẩm (Product), giá (Price), hệ thống kênh phân phối (Place), truyền thông và xúc tiến bán (Promotions). Marketing mix là sự kết hợp có hệ thống của 4 công cụ trên để ra những quyết định dẫn dắt hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường theo đúng định hướng và mục tiêu đã hoạch định, tạo ra doanh số và lợi nhuận bán hàng, có thể đứng vững trên thị trường và xây dựng thương hiệu bền vững.
Trong hỗn hợp marketing mix, trước hết doanh nghiệp cần xác định mình phải cung cấp cho thị trường loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào để thỏa mãn nhu cầu và có được sự hài lòng nhất định của khách hàng. Để làm được điều đó doanh nghiệp phải nghiên cứu và hiểu được mong muốn của người tiêu dùng, sản phẩm dịch vụ đó sẽ mang lại những giá trị gì cho họ, nó cần tập hợp những yếu tố hay thuộc tính nào để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Sau khi phát triển sản phẩm, người làm marketing cần xác định các công cụ khác của hỗn hợp marketing như chọn được mức giá phù hợp, chọn lựa và quản lý các kênh thương mại, thực hiện các hoạt động truyền thông marketing để sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường mục tiêu đúng thời điểm.
1. Chiến lược Sản phẩm mới
Sản phẩm mới luôn là bộ phận cốt lõi và sống còn trong chiến lược tăng trưởng và cạnh tranh của doanh nghiệp. Thông thường 50% lượng bán của các doanh nghiệp là thu được từ các sản phẩm được giới thiệu trong vòng 10 năm. Kinh nghiệm thực tế trên thế giới về sản phẩm mới cho thấy rất nhiều sản phẩm đã thất bại, tỉ lệ đó lên đến 33%-70%. Hills Brother đã tốn 22 năm để phát triển cà phê tan, trong khi General food cũng tốn 10 năm cho một loại cà phê hòa tan khác. Một sản phẩm tốt, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng sẽ dễ dàng thâm nhập vào thị trường. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý tốt, lập kế hoạch, thực hiện phối hợp với các bộ phận chức năng như marketing, sản xuất, kỹ thuật và nghiên cứu phát triển sẽ là then chốt dẫn đến thành công trong chiến lược sản phẩm mới.
2. Chiến lược giá
Giá của một sản phẩm thường bao gồm chi phí sản xuất, chi phí markerting, chi phí phân phối và một phần lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài việc tính toán các chi phí liên quan, các quyết định về giá cần phải được xác định bằng các mục tiêu rõ ràng, phụ thuộc vào sức ép của môi trường, yếu tố thị trường, cạnh tranh và định vị cho thương hiệu sản phẩm của bạn. Nó giúp cho người ta quyết định nhận ra tầm quan trọng của cả yếu tố chất lượng và yếu tố số lượng trong các quyết định giá. Apple định vị thương hiệu độc quyền và đẳng cấp vì vậy nó thường có mức giá rất cao khi tung ra thị trường sản phẩm mới, nhanh chóng thu hồi được vốn đầu tư và có lợi nhuận ngay. Sau một thời gian có mặt trên thị trường, do nhiều yếu tố thị trường thay đổi, sự xuất hiện của cạnh tranh, mức giá sẽ được hạ thấp xuống. Taxi truyền thống của Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với Grabtaxi, xe ôm cũng đang lao đao vì sự xuất hiện dày đặc của Grab Bike làm thị phần bị chia sẻ một cách rõ rệt. Grab là dịch vụ vận chuyển dựa vào yếu tố công nghiệp, nó có mức giá tương đối thấp hơn so với taxi và xe ôm truyền thống, đồng thời có luôn có mã khuyến mãi và các buổi trưa, chiều. Chưa kể đến chất lượng phục vụ tốt, chuyên nghiệp, nhanh chóng và khách hàng có quyền lựa chọn tài xế, biết được chính xác giờ nào tài xế sẽ đến đón và được quyền đánh giá tài xế tất cả đều thông qua thiết bị di động. Một phần của thành công này chính là dựa vào chiến lược giá thấp để thâm nhập thị trường, kết hợp với các yếu tố nếu trên đã tạo cho Grab có chỗ đứng nhất định trong thị trường ngành dịch vụ vận chuyển của Việt Nam.
3. Chiến lược kênh phân phối
Sau khi đã ra các quyết định về sản phẩm và giá bán, để sản phẩm có thể dễ dàng tiếp cận được khách hàng, người làm marketing-mix cần phải xây dựng các mạng lưới kênh phân phối, các trung gian thương mại đem đến cho khách hàng các giá trị về thời gian, địa điểm và sở hữu. Quản trị kênh phân phối hiệu quả sẽ đưa sản phẩm đến đúng nơi, đúng thời gian, đúng số lượng, chất lượng mà khách hàng yêu cầu với tổng chi phí thấp nhất. Đồng thời doanh nghiệp cần hướng đến lượng khách hàng mục tiêu mà nhờ đó có thể tập trung được các yếu tố bán hàng tiềm năng. Kinh Đô phủ kín thị trường với hàng loạt các mặt hàng bánh kẹo, cà phê,…các đại lý vừa và nhỏ, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các nhà phân phối cấp 1, cấp 2 theo vùng. Có thể dễ dàng thấy các mặt hàng của Kinh đô luôn có mặt rộng rãi và dễ dàng tìm kiếm. Sản phẩm lại luôn được đổi mới về hình ảnh và chất lượng, đồng thời gợi cho khách hàng nói đến Tết là người ta sẽ liên tưởng ngay đến Kinh Đô.
4. Chiến lược xúc tiến bán
Xúc tiến bán hay khuyến mãi là những biện pháp tác động nhằm khuyến khích mua sản phẩm hay dịch vụ và mua nhiều hơn. Chiến lược này đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được chiến dịch truyền thông và lập kế hoạch quảng cáo đưa sản phẩm lại gần khách hàng hơn. Các hoạt động này không chỉ nhằm tiếp cận khách hàng mà còn nhằm cung cấp cho họ các thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông gián tiếp như in ấn và phương tiện điện tử. Phindeli – thương hiệu “cà phê Việt làm người Mỹ tỉnh giấc” nổi tiếng nhờ việc mua lại thị trấn Buford ở Mỹ của thị trưởng Phạm Đình Nguyên năm 2012. Một năm sau khi mua, ông Nguyên đổi tên thị trấn thành PhinDeli, đồng thời ra mắt thương hiệu cà phê rang xay PhinDeli tung vào hai thị trường Việt Nam và Mỹ. Đây là một đòn bẩy giúp quảng bá thương hiệu cà phê Việt tới thị trường Mỹ một cách hết sức độc đáo.
Tóm lại, marketing mix chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp có thể thành công trên thị trường một cách tuyệt đối và bền vững. Hãy tạo sự khác biệt và chọn cho mình một giải pháp marketing phù hợp giúp mang lại giá trị cho doanh nghiệp/cá nhân bạn và cho toàn xã hội.
Hà Nguyễn /* Marketingai.admicro.vn
Chiến lược Marketing Mix để các doanh nghiệp SMB phát triển vững mạnh
Reviewed by Hà Nguyễn
on
13:59:00
Rating:
Không có nhận xét nào: